Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy người lao động trong nước đi làm việc tại nước ngoài và cho phép người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam mở cửa.

Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy người lao động trong nước đi làm việc tại nước ngoài và cho phép người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam mở cửa. Người nước ngoài muốn vào Việt Nam để làm việc phải thực hiện các thủ tục hành chính bắt buộc để xin cấp giấy phép lao động, ngay cả các trường hợp được miễn giấy phép lao động cũng phải tiến hành những thủ tục nhất định để có thể bắt đầu làm việc tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ xin Giấy phép lao động cũng như tính hình thức của các thủ tục hành chính. Thiết nghĩ, đảm bảo an ninh việc làm trong nước là điều tất yếu và cần thiết tuy nhiên các quy định về việc sử dụng lao động nước ngoài  cũng không được là rào cản.

Qua thực tiễn làm việc, Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin Giấy phép lao động chúng tôi nhận thấy như sau:

Thứ nhất, thời gian để hoàn thành thủ tục xin Giấy phép lao động là tương đối dài vì bao gồm nhiều giai đoạn:

- Xin Chấp thuận đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài: 15 ngày  (Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH  25 tháng 10 năm 2016);

- Xin lý lịch tư pháp tại Việt Nam: 10 ngày (Luật lý lịch tư pháp 2009);

- Xin Giấy phép lao động: 7 ngày làm việc (Khoản 2 Điều 12 Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016).

 Tuy nhiên, thời gian luật định thường ít hơn so với thời gian cơ quan nhà nước trả kết quả hồ sơ cho người nộp hồ sơ, vì nhiều lý do được đưa ra khác nhau. 

Thứ hai, vấn đề chuẩn bị hồ sơ  xin Giấy phép lao động cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một trong những hồ sơ cần thiết cho quá trình xin Giấy phép lao động là Lý lịch tư pháp. Nếu người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu Lý lịch tư pháp do Sở tư pháp tỉnh, thành phố cấp. Tuy nhiên, thời gian xin Lý lịch tư pháp Việt Nam là tương đối dài (10 – 15 ngày), gây mất thời gian và khiến cho tiến độ xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng bị kéo dài.

Gần đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có ra Quyết định số: 2595/QĐ-UBND ngày 28/5/2018 về Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện liên thông thủ tục hành chính Cấp phiếu lý lịch tư pháp – Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Nội dung của quy chế nhằm giảm bớt thời gian và thực hiện đồng thời hai thủ tục cùng một lúc, tạo thuận lợi cho NLĐ NN. Tuy nhiên, vì là quy chế mới nên việc tổ chức thực hiện và phối hợp của cơ quan liên quan vẫn chưa đi vào thực tế.

Bên cạnh đó, trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức đôi khi cũng gặp những vấn đề khó khăn trong việc trả các chi phí ăn ở, đi lại cho người nước ngoài trong thời gian ở Việt Nam vì chưa xin được Giấy phép lao động nên chưa được chính thức làm việc. Người lao động nước ngoài cũng bị động trong vấn đề này, vì nếu đi làm việc mà chưa được cấp giấy phép lao động sẽ là trái pháp luật và cũng không được trả lương.

Để xin được Lý lịch tư pháp Việt Nam một tài liệu cần thiết nữa đó là Xác nhận tạm trú công an phường nơi người nước ngoài đang cư trú. Để xin được xác nhận này, người nước ngoài hoặc chủ của cơ sở cho người nước ngoài tạm trú phải có nghĩa vụ khai báo và xin xác nhận tại cơ quan công an nhưng trên thực tế thường hay có tâm lý e ngại do liên quan tới công an cũng như sợ thủ tục phức tạp và mất khá nhiều thời gian chờ đợi.

Thứ ba, khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu, giấy tờ do nước ngoài cấp để phục vụ cho quá trình xin Giấy phép lao động .

Ở Việt Nam khái niệm “Hợp pháp hóa lãnh sự” vẫn còn khá mới mẻ.  Quá trình này cũng gây tốn một khoảng thời gian và chi phí không nhỏ đối với người lao động nước ngoài có nhu cầu xin Giấy phép lao động.

Trên thực tế, để thực hiện thủ tục Hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu, giấy tờ do nước ngoài cấp để phục vụ cho quá trình xin Giấy phép lao động cũng khá phức tạp, trải qua nhiều khâu và giai đoạn khác nhau như  xin xác nhận của Văn phòng công chứng, Bộ ngoại giao của quốc gia phát hành giấy tờ, Đại sứ quán của Việt Nam tại quốc gia phát hành giấy tờ đó... Không những thế, đối với mỗi quốc gia khác nhau thì thủ tục chứng nhận, hợp pháp hóa lãnh sự cũng khác nhau gây khó khăn trong việc hướng dẫn người nước ngoài chuẩn bị hồ sơ hợp lệ để xin Giấy phép lao động tại Hà Nội và chi phí để phục vụ cho công việc chính là cấp giấy phép lao động theo đó cũng tăng lên.

Thứ tư, khó khăn trong thủ tục Xin Giấy phép sức khỏe để chuẩn bị hồ sơ xin Giấy phép lao động .

Hiện nay, theo quy định chỉ có một số bệnh viện trên địa bàn các thành phố lớn đủ tiêu chuẩn để khám sức khỏe cho người nước ngoài có nhu cầu xin Giấy phép lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, có một vài bệnh viện bác sĩ khám tại đó không thể giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài nên cần phải có sự hỗ trợ của phiên dịch đi theo. Bên cạnh đó, do số lượng bệnh nhân tương đối đông nên có một số trường hợp thông tin trên Giấy khám sức khỏe bị thiếu; ngoài ra còn có trường hợp một số bệnh viện đóng con dấu và ghi thông tin khám bệnh không giống nhau và không giống các mẫu cơ quan đã tiếp nhận nên không đạt yêu cầu theo quy định của Sở lao động thương binh và xã hội và Hồ sơ nộp đề nghị cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài thường bị trả về vì lý do Giấy khám sức khỏe không phù hợp. 

Như vậy, mặc dù pháp luật quy định về vấn đề này đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực và phù hợp. Tuy nhiên việc đưa luật áp dụng vào thực tế là một việc không hề dễ dàng cần sư phối hợp của các cơ quan nhà nước và chủ động của người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam.

----------------------------------------------

Thông tin liên hệ:

VĂN PHÒNG TƯ VẤN LUẬT SONG PHÁT

Địa chỉ: Phòng 207, 1706, Tòa N2D, Đường Lê Văn Lương, KĐT Trung Hòa Nhân Chính, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Tp. Hà Nội.

Hotline: 0962596170

Email: songphat.tuvanluat@gmail.com

Website: songphatlaw.com