Để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì  Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp là một thành phần bắt buộc.

Văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này gồm có:

- Bộ luật lao động năm 2012;

- Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

- Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Quyết định số: 925/QĐ-BTP ngày 25 tháng 04 năm 2014

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

Trước kia, hồ sơ cấp đề nghị cấp phép lao động tại Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 05/09/2013 có yêu cầu:  Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có giá trị trong thời hạn 06 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ.” Và được hướng dẫn tại Thông tư 03/2014/NĐ-CP ngày 20/01/2014:

a) Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp hoặc trường hợp đang cư trú tại Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp và văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp; 
b) Trường hợp người lao động nước ngoài chưa từng cư trú tại Việt Nam thì phải có văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.”

Như vậy, trước đây, yêu cầu người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam phải có đồng thời hai loại giấy tờ:

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp

- Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

      Việc phải cung cấp đồng thời hai văn bản này gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho Người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam.

Hiện nay, Nghị định 11/2016/NĐ-CP có quy định cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn hơn, theo đó Hồ sơ đề nghị cấp phép lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ cần:

“Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu  trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.”

 Như vậy, thủ tục cũng như giấy tờ đã lược giảm đi không ít. Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần Phiếu lý lịch tư pháp  do Việt Nam cấp.

Hiểu như nào là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam?

Theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì:

Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

- Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

Thẻ thường trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

Như vậy, Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam là người đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.

Trong trường hợp này, nếu người nước ngoài đã rời Việt Nam thì nộp hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Trường hợp người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp nơi cư trú.

I/ Trình tự thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam

1/  Cách thức thực hiện:

 Nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc online tại Cổng thông tin đăng ký trực tuyến: https://lltptructuyen.moj.gov.vn/trungtam

2/ Thành phần hồ sơ:

3/ Số lượng hồ sơ: 01 bộ

4/ Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 15 ngày.

5/ Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Bộ Tư pháp

6/ Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

7/ Cơ quan phối hợp: 

- Cơ quan công an.

- Cơ quan Tòa án: Trường hợp sau khi tra cứu thông tin lý lịch tư pháp tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng định đương sự có án tích hay không có án tích.

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan, tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan: trường hợp phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

8/ Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

9/ Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP);

- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (dùng cho cá nhân trong trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cá nhân là cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2) (Mẫu số 04/2013/TT-LLTP)

10/ Lệ phí: 

- Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp 200.000 đồng/lần/người.

- Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 3000 đồng/Phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

11/ Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Phiếu lý lịch tư pháp số 1, số 2.

II/ Trình tự thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam

Các bước nộp tương tự như phần I. 

 Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở tư pháp tinh, thành phố hoặc nộp online tại Cổng thông tin đăng ký trực tuyến: https://lltptructuyen.moj.gov.vn/trungtam.