Thể hiện trong Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 so với Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2013
Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện luật định được quy định cụ thể trong Luật lao động 2012, Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Theo đó, thủ tục hành chính và quy định về vấn đề này cũng có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu về người lao động nước ngoài ngày càng nhiều và phải đảm bảo được những yêu cầu:
- Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức trong tuyển và sử dụng lao động nước ngoài.
- Tạo thuận lợi cho người lao động nước ngoài, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích những điều kiện có lợi hơn cho họ nhưng không để ảnh hưởng đến an ninh việc làm trong nước.
- Tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý lao động nước ngoài tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan này, kiểm soát chặt chẽ các vi phạm.
- Phù hợp với pháp luật các nước, thông lệ quốc tế và đặc biệt, với những cam kết của Việt Nam tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở khái quát về tình hình văn bản pháp luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bài viết tập trung đánh giá tính hoàn thiện trong những điểm mới của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
1. Quy định rõ một số khái niệm chức danh
Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đưa ra cách giải thích về các từ ngữ “Người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp”; “tình nguyện viên”; “chuyên gia”; “nhà quản lý; giám đốc điều hành” và “lao động kỹ thuật” phù hợp hơn với thực tế.
- Khoản 1 giải thích từ ngữ “Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp”.
- Khoản 2, 3, 5 giải thích từ ngữ “tình nguyện viên”, “chuyên gia”, “lao động kỹ thuật”. Bổ sung khoản 4 giải thích về từ ngữ “nhà quản lý và giám đốc điều hành”.
- Bổ sung, sửa đổi các tiêu chí xác định “chuyên gia” và “lao động kỹ thuật” phù hợp và chặt chẽ hơn:
“Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;
b) Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” (rút ngắn thời gian kinh nghiệm còn 03 năm và bổ sung các trường hợp đặc biệt);
“Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo” (bổ sung thêm “các chuyên ngành khác”).
2. Những trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Bên cạnh những trường hợp được miễn giấy phép lao động như trong Nghị định cũ, tại nghị định mới này có bổ sung thêm trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm thì không cần đề nghị cấp giấy phép lao động, vì việc chuẩn bị giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mất nhiều thời gian trong khi thời gian làm việc rất ngắn đặc biệt trong trường hợp để xử lý những sự cố, tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, còn có thêm các trường hợp sau:
- Mở rộng đối tượng người lao động nước ngoài sang giảng dạy không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
+ “ Được cơ quan, tổ chức của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam”. Bỏ giới hạn trình độ từ thạc sỹ trở lên và có thời gian giảng dạy dưới 30 ngày.
- Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
- Cá nhân có hộ chiếu công vụ vào Việt Nam làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
Tất cả những trường hợp được miễn giấy phép lao động vẫn phải có Giấy xác nhận của Sở Lao động Thương Binh và Xã hội. Thời hạn tùy thuộc vào diện lao động cụ thể mà khác nhau, trong đó thời hạn cho phép tối đa là hai năm và theo thời hạn của một số trường hợp cụ thể. (Quy định cũ không quy định rõ thời hạn).
3. Quy định chi tiết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
- Giấy khám sức khỏe phải có thời hạn trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe và vẫn còn hiệu lực trong thời gian đề nghị cấp giấy phép lao động.
- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận tương đương do nước ngoài cấp, chứng minh người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy giúp giảm bớt thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo nhân thân của người lao động nước ngoài.
- Nếu người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do chính quyền Việt Nam cấp. Những văn bản này phải còn trong thời gian hiệu lực, tức 6 tháng trở lại thời điểm hiện tại.
- Giấy tờ chứng minh người lao động người nước ngoài là chuyên gia, quan lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, Nghị định không hướng dẫn những giấy tờ chứng minh cụ thể. Trong khi đó, tại quy định cũ, người lao động chỉ cần cung cấp văn bản xác nhận là đã được chấp thuận.
- Theo Nghị định 11, văn bản chấp thuận xin sử dụng người lao động nước ngoài của Chủ tich Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vẫn cần được cấp, tuy nhiên không yêu cầu phải nộp kèm bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Khoản 7 bổ sung “Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bỏ quy định phải nộp văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài. Văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài đã có tại cơ quan cấp giấy phép lao động, việc yêu cầu nộp lại giấy tờ này là không cần thiết và tăng thủ tục hành chính.
- Khoản 3 Điều 12 bỏ quy định “phải nộp bản sao giấy phép lao động” vì chính Sở Lao động thương binh xã hội là cơ quan cấp giấy phép lao động.
- Một số trường hợp đặc biệt cũng được quy định cụ thể như sau:
+ Đã từng được cấp giấy phép lao động và vẫn còn trong thời gian hiệu lực nhưng chuyển sang làm việc cho người sử dụng lao động khác, với chức danh tương tự, ở cùng vị trí làm việc như trong giấy phép lao động.
+ Đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực nhưng chuyển sang vị trí làm việc khác so với vị trí đã đăng ký trong giấy phép lao động, người sử dụng lao động không thay đổi.
+ Giấy phép lao động được cấp đã hết hiệu lực nhưng có nhu cầu làm việc tiếp tại vị trí đã đăng ký trong giấy phép.
+ Được cấp giấy phép lao động theo các quy định tại nghị định số 102/2013/NĐ-CP.
- Thời gian xử lý hồ sơ xin cấp giấy phép lao động được rút ngắn từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Đây là điều đáng mừng cho người sử dụng lao động nước ngoài.
4. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
Nghị định 11/2016/NĐ-CP tăng thời hạn được đề nghị cấp lại giấy phép lao động lên từ không quá 15 ngày lên không quá 45 ngày nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài chủ động kế hoạch và thời gian nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động trước khi giấy phép lao động hết hạn, tránh những vi phạm nằm ngoài ý muốn chủ quan của họ (Khoản 2 Điều 15).
5. Các trường hợp thu hồi giấy phép lao động
Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP bổ sung trường hợp thu hồi hồi giấy phép lao động do người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định. Khoản 3 Điều 17 bổ sung trình tự thu hồi giấy phép lao động, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động và bổ sung trách nhiệm của Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết thủ tục thu hồi giấy phép lao động.
Việc ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã góp phần khắc phục được những bất cập trong các văn bản pháp luật trong thời gian qua, phù hợp và tương đồng với hệ thống văn bản pháp luật lao động về lao động nước ngoài. Sắp tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ quan chức năng cần xem xét để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong điều chỉnh thị trường lao động.
-------------------------------------------------------------
Thông tin liên hệ:
VĂN PHÒNG TƯ VẤN LUẬT SONG PHÁT
Địa chỉ: Phòng 207, 1706, Tòa N2D, Đường Lê Văn Lương, KĐT Trung Hòa Nhân Chính, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0962596170
Email: songphat.tuvanluat@gmail.com
Website: songphatlaw.com